Nói lắp là gì

04/05/2019 01:03:28

Tìm hiểu chung

Nói lắp là gì?

Nói lắp còn được gọi là cà lăm, là một tật phổ thông liên quan đến khả năng nói. Những người bị tật nói lắp mặc dù biết mình muốn nói gì nhưng lại không thể nói lưu loát, thường lặp lại hay kéo dài các âm đã nói trước đó nhiều lần trước khi phát ra tiếng kế tiếp. Hiện tượng này không ảnh hưởng đến sức khỏe và có khả năng chữa được nếu chữa ngay từ nhỏ.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của nói lắp

Người nói lắp có những biểu hiện sau đây:

  • Ngập ngừng trước khi muốn nói điều gì đó;

  • Câu nói bị đứt quãng nhiều lần;

  • Lặp lại nhiều lần hoặc kéo dài âm đã nói trong từ trước đó;

  • Có thể kèm theo các biểu hiện: liếm môi, vẹo cổ, dậm chân, chớp mắt liên tục, chắt lưỡi.

Hậu quả do tật nói lắp đem lại

  • Người nói lắp hay tự ti vào bản thân và ngại tiếp xúc với người khác.

  • Có thể mắc một số triệu chứng của tâm thần như mắc cỡ, né sợ, lơ đãng, thô bạo, giận dữ,... vì bị người khác trêu chọc, la rầy.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Có khoảng 65% trẻ nói lắp sẽ tự điều chỉnh được khả năng nói của mình và bớt bị lắp, đó là nói lắp bình thường. Tuy nhiên, nếu sau 12 tháng kể từ khi trẻ bắt đầu nói lắp mà vẫn không cải thiện hoặc trẻ bị tự ti với bản thân và trở nên trầm cảm thì bố mẹ nên dắt trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa.

Nếu không chữa tật nói lắp trước 5 tuổi (tốt nhất là độ 2 tuổi rưỡi), trẻ sẽ tự điều chỉnh khả năng nói của mình bằng những phương pháp sai lệch như dùng chữ tương tự, đồng nghĩa, nói quá chậm, dùng sai chữ, dùng chữ tổng quát như "cái ấy", "gì gì đó". Điều này quen dần sẽ khó chữa trị được và chuyển thành tật nói lắp.

Nguyên nhân gây bệnh

Hiện vẫn chưa có kết luận nào về nguyên nhân gây ra tật nói lắp. Một số tác nhân được cho là có ảnh hưởng đến khả năng nói là:

  • Trẻ bắt đầu tập nói và tìm chữ để nói ra suy nghĩ của mình. Tuy nhiên do từ ngữ còn hạn hẹp và chịu sự tự thúc đẩy phải nói nhanh nên dẫn đến nói lắp. Hiện tượng này sẽ tiêu biến khi trẻ đủ lớn và giao tiếp nhiều với mọi người.

  • Trung tâm ngôn ngữ của não bộ, hệ cơ của môi lưỡi và hộp phát âm gặp trục trặc trong việc sắp xếp câu.

  • Tật nói nhanh nhưng suy nghĩ lại chậm hoặc do tâm thần bấn loạn (trường hợp hiếm gặp).

Nguy cơ mắc phải

Hiện tượng nói lắp xảy ra ở mọi ngôn ngữ, tầng lớp xã hội và thường gặp phải ở những đối tượng sau:

  • Những người có tật nói nhanh.

  • Trẻ em từ 2 - 5 tuổi.

  • Nam giới mắc tật nói lắp gấp 3 lần so với nữ.

  • Bố mẹ có tiền sử bị nói lắp thì trẻ có nguy cơ mắc tật nói lắp cao hơn.

  • Người bị lo sợ, căng thẳng, không tự tin với bản thân, người hay tức giận, bị thối thúc, hay tranh cãi với người khác sẽ nói lắp nhiều hơn so với những người khác.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp điều trị  tật nói lắp hiệu quả

Liệu pháp tại nhà:

Vì chưa biết rõ căn nguyên gây ra tật nói lắp nên hiện nay vẫn chưa có cách trị dứt điểm tật nói lắp. Để điều trị tật nói lắp hiệu quả, cách tốt nhất là chữa bệnh ngay từ nhỏ. Như đã nói, cần phát hiện sớm và chữa cho trẻ trước 5 tuổi, vì đến khi trẻ lớn lên, bệnh khó có khả năng chữa khỏi. Một số điều người bị nói lắp và gia đình nên và không nên làm:

  • Bản thân người bị nói lắp:

    • Giữ cho tinh thần và thể chất luôn được thoải mái, thư giãn: khi thư giãn, bạn sẽ có đủ bình tĩnh để suy nghĩ đến câu mình sắp nói và nói chậm rãi. Càng căng thẳng chỉ khiến bạn nói lắp nhiều hơn.

    • Tập nói trước gương: đây là một trong những phương pháp giúp bạn tự tin hơn. Khi tự giao tiếp với mình, những hành động, điệu bộ, lời nói của bạn sẽ được phản ánh qua gương. Từ đó bạn có thể thấy được biểu hiện của mình như thế nào và cố gắng sửa đổi dần dần để hoàn thiện hơn.

    • Đọc sách thành tiếng: điều này giúp cho bạn tập nói tốt hơn và trôi chảy hơn. Ngoài ra còn làm cho bạn biết cách hít thở để lấy hơi, khi hít thở sâu và đúng cách, từ ngữ của bạn sẽ thốt ra dễ dàng và trôi chảy hơn.

    • Tập đánh vần: hãy nhớ lại từ bạn hay bị lắp khi nói là gì và có gắng đánh vần, đọc to từ đó lên nhiều lần. Thói quen này giúp bạn không còn bị lắp khi dùng từ đó nữa.

    • Nghĩ ra từ mình sắp nói: việc hình dung từ ngữ sắp nói không phải là điều dễ dàng. Nhưng nếu làm được, khi giao tiếp với người khác, tự động bạn sẽ đọc theo được những từ mà trong đầu bạn đang nghĩ.

    • Đặt niềm tin vào bản thân: đừng để tật nói lắp trở thành nỗi ám ảnh của bạn. Khi càng sợ nó, càng bi oan thì khả năng nói lắp của bạn sẽ càng cao hơn nữa. Thay vì như thế, hãy tập cho mình sự tự tin, chấp nhận nó và tìm cách giải quyết nó. bạn có thể mắc lỗi nhưng bạn sẽ làm được tốt hơn. Làm được như vậy khả năng nói của bạn sẽ tiến bộ hơn rất nhiều.

  • Đối với các bậc phụ huynh có con bị nói lắp:

    • Tạo không khí thoái mái, vui vẻ trong gia đình, để trẻ tự do và không bị thúc ép trẻ nói khi giao tiếp với mọi người.

    • Nói chuyện chậm rãi để trẻ có thể nghe và tập quen với cách nói chuyện này.

    • Kiên nhẫn lắng nghe khi trẻ đang nói lắp, tránh nói thay trẻ.

    • Không để trẻ bị xấu hổ vì tật nói lắp của mình.

    • Không la rầy hoặc có hành động xúc phạm đến trẻ, nhất là trước đám đông.

    • Tâm sự với trẻ nhiều hơn, tập giao tiếp cùng trẻ để trẻ hiểu vấn đề của mình và cũng đồng hành với trẻ trong việc thay đổi khả năng nói của mình

Đến gặp chuyên gia trị liệu ngôn ngữ:

Ngoài các phương pháp tự điều trị trên, người bị nói lắp hoặc bố mẹ có con bị nói lắp có thể tìm đến sự hỗ trợ của những chuyên gia trị liệu ngôn ngữ. Bằng chuyên môn của mình, các chuyên gia sẽ có cách điều trị tật nói lắp tốt hơn. Những điều chuyên gia trị liệu ngôn ngữ có thể giúp bạn:

  • Phối hợp với người thân của bệnh nhân để xây dựng một kế hoạch trị liệu phù hợp và đồng nhất cách cử xử đối với người bệnh để họ không cảm thấy tự ti.

  • Cho người bệnh thực hành các buổi luyện thanh và áp dụng chúng vào môi trường giao tiếp thực tế để người bệnh tập luyện thói quen nói.

  • Chuyên gia trị liệu có thể nhờ đến các nhóm hỗ trợ, những người sẵn sàng tạo nên cộng đồng cho người bệnh có môi trường giao tiếp an toàn, thân thiện và không bị chê cười hay xa lánh.

 

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nói lắp

  • Đáp ứng tốt nhu cầu về thể chất, cảm xúc và tâm lý của trẻ: Khi trẻ được sống trong môi trường có sự yêu thương, tin tưởng của gia đình, trẻ sẽ tự tin về bản thân; giảm thiểu những chấn thương tâm lý và biến động tinh thần. Từ đó hạn chế nguy cơ nói lắp ở trẻ.

  • Tạo môi trường ngôn ngữ thuận lợi: Nếu sinh hoạt trong môi trường bất lợi về ngôn ngữ thì khả năng tiếp nhận và nói của trẻ bị hạn chế. Thay vào đó, phụ huynh có thể đưa trẻ đến những nơi vui chơi, đông đúc để trẻ tiếp thu ngôn ngữ nhanh và tự nhiên.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.